Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Tuổi thơ yêu dấu

   Tôi được sinh ra giữa khoảng lặng của mùa thu. Khi bầu trời chỉ kịp chiếu xuống mặt đất vài giọt sáng yếu ớt, bỗng bị đứt gãy bởi những hạt mưa giao mùa. Tôi chẳng hình dung ra lúc ấy tôi trông như thế nào, chỉ nghe mẹ kể rằng gương mặt tôi lạnh lùng, đôi mắt chứa đựng cả bầu trời u uất.

   Tôi được gửi về quê nội khi vừa tròn 4 tuổi. Lúc đó, nhà bà tôi nghèo lắm. Tấm chăn mỏng manh không thể che hết một mảnh linh hồn đang run cầm cập vì giá rét. Cơn gió đông bắt đầu thổi đến như muốn làm quen giữa cái lạnh kinh hồn cuối thu. Làng tôi nghèo đơn sơ với những đêm trăng sáng ngồi chụm lại bên bếp lửa. Nhớ lúc đó, với tính cách lạnh lùng ít nói, tôi có rất ít bạn bè, hay nói đúng hơn là không có người bạn nào. Giữa cái lạnh cào xé của thiên nhiên, tôi càng cô độc hơn khi ngồi một mình sau bếp lửa. Tôi xiết chặt lấy đôi vai gầy để tránh lạnh. Trăng càng lên cao, lớp sương mờ đục càng hiện rõ, lất phất như khói chiều. Ánh trăng chảy tràn qua kẽ lá, nhỏ từng giọt li ti trên hàng tre đầu làng kết thành chùm hoa nhỏ. Trăng khẽ vuốt ve mái tóc của bà, âu yếm gò má xinh của đôi cô thiếu nữ. Tôi đang mơ màng trong thế giới huyền ảo của mình, chợt cảm thấy ấm nồng ở khóe mắt:
- Ơ!
- Hihi! Bạn có muốn qua bên kia chơi với bọn mình không?
Tôi kịp giữ được bình tĩnh, thì ra là một cô bé với nụ cười tỏa nắng và đôi mắt như toát ra ánh sáng ấp áp:
- Xin lỗi vì làm rơi mất khoai nướng vào mặt bạn. Mình chỉ muốn hỏi là bạn có muốn qua bên kia cùng uống trà gừng với bọn mình, có vẻ như bạn lạnh.
- Không cần đâu!
Tôi trả lời dứt khoát nhưng nét mặt thoáng vẻ bối rối. Chợt cô bé nắm lấy tay tôi, lay mạnh và kéo qua bên kia:
- Mình là Tuyết, rất mong được làm quen với bạn. Nào qua bên kia đi, tụi mình có nhiều trò vui lắm
...

   Có lẽ là từ ngày định mệnh đó, tôi đã thoát khỏi lốt cá biệt mà bước ra thế giới bên ngoài. Tôi hay cười hơn, nhưng đôi lúc lại quá ham chơi khiến bà nội la mắng, những lúc đó, tôi lại chớp chớp đôi mắt tinh nghịch chạy tuốt vào phòng. Nhớ những kỉ niệm ngày xưa thân quen ấy, nhớ mấy mùa nắng bức lội ruộng bắt ốc mà nổi mẩn gãi đến chảy máu. Bị bà mắng cho vì cái tội "gái không ra gái, trai không ra trai" không chịu yên phận ngồi se rạ mà ra đồng chơi với mấy thằng con trai. Nhớ những đợt mưa đầu mùa cả bọn cởi trần tắm mưa, sau đó về nhà mà quần áo ướt sũng run cầm cập. Nhớ lắm mỗi đêm trăng sáng ra bắt rươi tươi về bán trộm, được chút tiền thì cả đám mua khoai ra bể nướng. Nhớ cái nháy mắt vô tư xóa đi giận hờn vu vơ tuổi học trò. Nhớ giọt nước mắt nghẹn ngào mỗi lần vì ham chơi bị điểm kém...

   Nhớ lắm, những ngày ấu thơ ấy...

   Tôi chợt lớn, không còn sống với bà nội nữa. Những ngày vui chơi thuở đó bây giờ chỉ còn là kí ức. Đôi lúc nhìn lại cái xa hoa của đô thị hiện đại mà nhớ đến ánh lửa hồng le lói đầu làng những ngày sáng trăng. Nhớ lại những trò nào rồng rắn lên mây, nào ô ăn quan, nhảy cò, đánh trận....


   Tuy đã quen với cái bộn bề hỗn độn của xã hội. Những kí ức đó vẫn không thể nào mất đi được, nó đã ăn sâu vào tâm trí, máu thịt tôi rồi. Mong rằng mỗi người trong chúng ta, dù khó khăn vất vả thế nào, cũng đừng quên đi những kỉ niệm ấu thơ tươi đẹp. Hãy giữ lại dù là một chút, đừng cố gắng vứt bỏ đi một trong những kí ức đẹp nhất đời người.



Thu Nguyệt
Lớp 9E (NK 2010-2014) 

Nhờ cô, em đã thật sự trưởng thành

Trong đời người, ai cũng có những kí ức đẹp. Đôi khi chỉ là những chuyện đời thường của nhiều người nhưng lại là dấu ấn khó quên của một người nào đó. Một cậu học trò nhỏ ngày đầu bước chân vào lớp một, với bao bỡ ngỡ rụt rè, đã khóc lóc đòi mẹ đưa về lại được sự dỗ dành ân cần của cô giáo. Cậu học trò đó chính là tôi và cô giáo đã để lại nhiều dấu ấn  trong tôi là cô giáo Vân, cô giáo dạy tôi năm lớp một.



   Tôi còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, bầu trời mùa thu trong xanh, tôi mặc bộ quần áo mới được mẹ dắt tay đến trường. Con đường làng từ nhà đến trường không xa lạ với tôi, nhưng hôm nay thật đặc biệt. Đặc biệt bởi sự háo hức đến trường, đặc biệt bởi trên vai tôi là cái cặp mới trong đó có những quyển sách, cái bút chì đầu đời của cậu học trò nơi làng quê thời bao cấp như tôi. Con đường quen thuộc hôm ấy đối với tôi  như dài hơn mọi ngày, quang cảnh hai bên đường như có sự khác lạ. Hình như chúng cũng đang reo vui theo nhịp bước chân tôi đến trường.

   Háo hức là vậy, nhưng bước tới trường tâm trạng của tôi thay đổi hẳn. Chao ôi! Sân trường sao đông đúc quá! Có rất nhiều cô, bác dắt con đến trường như mẹ tôi, có rất nhiều anh chị đang chạy nhảy vui đùa thật là vui nhộn. Đông vui là vậy nhưng tôi lại có cảm giác xa lạ với ngôi trường  mới này. Tôi co ro sợ hãi, sợ mẹ sẽ bỏ lại tôi mà về, để lại mình bơ vơ lạc lõng giữa bao người xa lạ. Thế là tôi khóc, không chịu vào lớp. Nhìn các bạn ngồi ngay ngắn trong lớp, mẹ đã cố gắng dỗ dành, nhưng tôi vẫn khóc. Bấy giờ  cô giáo đã đến bên tôi, ân cần lau những giọt nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt non nớt. Cô hỏi:
- Con tên gì?
Dù khóc nhưng tôi vẫn trả lời trong tiếng nấc:
- Dạ  con tên Tâm.
- Con mấy tuổi rồi?
- Dạ con sáu tuổi ạ!

Cô cầm tay tôi rồi dịu dàng nói:
   Con đã sáu tuổi là con đã lớn rồi, mà lớn rồi thì mình phải ngoan, vâng lời cô, vâng lời bố mẹ mới là người con ngoan. Giờ cô đưa con vào lớp, con sẽ được học nhiều điều hay, nhiều điều mới lạ, con có chịu không?

   Lời cô dịu dàng, đầm ấm biết bao! Tôi bớt tiếng khóc gật đầu rồi đi vào lớp cùng cô. Khi được cô sắp xếp chỗ ngồi xong, tôi quay ra cửa nhìn mẹ. Hình như mẹ đã rất an tâm về tôi, nhìn vào mắt mẹ, tôi đã thấy rõ được điều đó. Cả tôi cũng vậy, tôi đã nhận được sự ân cần, dịu dàng của cô, để rồi sau ngày đó tôi đã thấy mình thích đi học đến lạ.

   Cô đã là người mẹ thứ hai của con ngay từ ngày đầu tiên con vào lớp một. Và để rồi những ngày sau đó, cô đã tận tình cầm tay con tập viết những con chữ đầu đời. Ấn tượng năm học lớp một thật khó phai trong lòng tôi. Bao kỉ niệm của năm học ấy đều có bóng dáng của cô. Tôi đã an tâm rằng ở nhà đã có ông bà, cha mẹ, còn ở trường thì có cô. Cô là người mẹ thứ hai của tôi, dịu dàng  bên  tôi  lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn trong học tập. Tôi nghĩ rằng tất cả các bạn trong lớp cũng cùng chung suy nghĩ với mình.

   Đất nước mới giải phóng còn gặp nhiều khó khăn, nhà nhà thiếu ăn, thiếu mặc. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Buổi sáng hôm ấy, tôi chỉ ăn một củ khoai lang nhỏ rồi đến trường. Học được nửa buổi, tôi thấy mình thật không ổn. Mắt tôi hoa lên và những dòng chữ trước mắt cứ nhòa dần, nhòa dần. Rồi tôi thấy toàn thân mình thật nhẹ, thật nhẹ.

   Trước lúc ngất đi, tôi còn kịp nghe tiếng gọi thất thanh của cô. Lúc tỉnh dậy tôi thấy mình được đặt trên một chiếc giường nhỏ và hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là đôi mắt cô nhạt nhòa nước mắt. Hình như tôi đã thấy hình ảnh này rất nhiều lần nhưng mà là của mẹ. Mẹ đã như vậy vì lo lắng cho tôi những lúc bệnh nặng, bây giờ là cô. Thấy tôi tỉnh lại cô mừng lắm và đã bón cho tôi từng thìa sữa nóng đã chuẩn bị từ lúc nào. Nhận sự chăm sóc của cô, tôi thấy lòng mình đã dâng lên một nỗi niềm khó tả. Sau này lớn lên tôi mới biết là mình đã xúc động đến nhường nào trước tình thương của cô dành cho ti.

   Cô ơi! Giờ này cô đang ở đâu? Ở phương trời xa cô có nghe tiếng gọi thổn thức của con không? Ba mươi ba năm đã trôi qua, cậu học trò yếu ớt ngày xưa của cô nay đã trưởng thành và luôn mang theo những kí ức đẹp về cô. Con hứa với cô cũng là tự hứa với mình là phải sống thật tốt, để không phụ lòng dìu dắt, yêu thương của bao thầy cô, trong đó có cô - người mẹ thứ hai của con.

Tổng hợp
Báo GD&TĐ Online

Thư gửi cô giáo dạy Văn

   Cô Phương kính mến!
   Con chào cô, con là Nguyễn Ngọc Ánh, học trò lớp 8A7 mà cô dạy Văn! Chắc cô cũng nhận ra con cô nhỉ? Bởi vì trong cả khối 8 chỉ có mỗi mình con là con gái mà lại có cái tên đầy vẻ nam tính đấy. Nhưng con không buồn đâu cô ạ, cô đã từng khen tên con rất đẹp, đậm chất cá tính, mạnh mẽ mà con gái không có được. Con rất vui và sẽ không bao giờ quên những lời cô đã nói với con đâu, cô ạ!
Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet
   Con luôn nhớ đến hai người phụ nữ quan trọng: Đó là mẹ và cô. Con yêu mẹ con lắm! Mẹ bảo con là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời ban tặng cho mẹ. Vậy là con đã có quà cho mẹ rồi! Nhưng cô ơi! Con cũng yêu cô nhưng con không biết cô thích gì. Con nghĩ nếu tặng cô những bó hoa, những điểm 9 điểm 10 thì sẽ chẳng nói lên được bao nhiêu tình cảm của con dành cho cô. Đó cũng là lý do con viết bức thư này. Con không biết cô sẽ đọc hay không vì những lời văn con viết còn quá vụng về và toàn lỗi diễn đạt. Con mong cô sẽ đọc để cô hiểu rằng học trò yêu cô nhường nào!

   Con cảm ơn cô vì đã dạy con môn Ngữ Văn. Một môn học đã khiến con nhận ra những giá trị nhân văn trong cuộc sống, được học cách làm người để cuộc đời thêm ý nghĩa hơn. Cô biết không? Con đã từng rất ghét học Văn. Cứ đến giờ Văn là con toàn ngủ gật vậy mà điểm Văn của con vẫn thuộc loại khá của lớp. Lạ thật cô nhỉ? Con nhớ cô đã từng nói với con: “Điểm số của mình phải làm sao cho đúng với kiến thức, cách học của chính mình”. Con nghe câu đó, tự nhìn lại chính mình, nếu con học nghiêm túc hơn có lẽ con sẽ đạt được điểm giỏi. Vậy là con đã cố gắng, tự phấn đấu bản thân và con đã thành công cô ạ! Từ 7,7 con đã lên 8,4. Con biết con không nên tự kiêu, bởi vì đấy mới chỉ là bước đầu, còn cả một tương lai rộng lớn đang chờ đón con. Con sẽ càng phải phấn đấu nhiều hơn…

   Con cảm ơn cô vì những điều mà cô đã nói. Cô nói để chúng con tiếp thu bài học, cô nói để chúng con học được điều hay lẽ phải. Đôi khi những lời nói được phát ngôn khi cô tức giận vì chúng con hư, không nghe lời cô. Đó là những lời mắng, trách móc vì sao chúng con được như thế với cô. Con đã từng nghĩ không hay, nói xấu với chính bản thân mình về cô. Nhưng con đã sai, sai hoàn toàn. Cái đầu óc của một cô bé 14 tuổi, không phải trẻ con cũng chẳng phải người lớn, lại chẳng thể nghĩ rằng những lời nói đó để giúp chúng con hoàn thiện bản thân con.

   Con xin lỗi cô! Xin cô hãy tha thứ cho cái tính trẻ con vô tâm của con... Cô ơi! Con có điều bí mật này cô nhé! Khi cô nói, giọng nói cô hay lắm! Lúc cô giảng, giọng nói cất lên, con có cảm giác mình đã hiểu được bao nhiêu cảm xúc mà tác giả muốn gửi gắm vào tác phẩm của mình. Đến cả những người khô khan cũng trở thành đa tình, đa cảm từ lúc nào không hay. Còn khi cô kể chuyện, kể tất cả các truyện: Văn học, Lịch sử Việt Nam, phim ảnh… Giọng nói của cô đã lôi cuốn chúng con, chúng con đã hồi hộp đến mức nín thở lúc đến đoạn cao trào rồi thở phào nhẹ nhõm khi kết thúc có hậu. Cô thấy đấy, giọng nói của cô rất có sức hút với chúng con, cô ạ!

   Con có nói cả trăm, nghìn câu cảm ơn cũng sẽ không trả hết ơn những gì yêu thương cô cho chúng con. “Cảm ơn tất cả những gì cô đã làm cho chúng con” là câu nói ngắn gọn nhất, đơn giản để bộc lộ sự biết ơn của con với cô. Trên cuộc đời này, có 3 người con sẽ không bao giờ trả hết nợ: Bố, mẹ và cô. Họ cũng sẽ không bao giờ đòi nợ con vì họ yêu thương, tin tưởng con nhiều hơn con nghĩ. Vậy nên con càng phải quyết tâm, cố gắng và biết ơn mọi người để đáp lại phần nào công dưỡng dục của cô cũng như bố mẹ. Con phải thành đạt, trưởng thành hơn trong cuộc sống, sao cho xứng đáng là học trò của cô!

Tổng hợp 
Báo GD&TĐ online