Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Chuyện kể của người lính lái xe Trường Sơn.

Trưa. Nắng. Nóng. Thời tiết miền nam đối lập hoàn toàn so với miền bắc bây giờ. Cái nóng cộng thêm một chặng đường dài từ Nam ra Bắc khiến ông cụ như tôi đây mệt rã rời. Hôm nay tôi vào nam thăm con, chúng nó không biết việc này. Tôi muốn tạo cho gia đình nhỏ một bất ngờ. Đang nghĩ huyên thuyên về thời tiết, tôi chợt nghe tiếng cái My - cháu gái tôi - từ trong nhà vọng ra:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
  Bom giật bom tung kính vỡ đi rồi
  Ung dung buồng lái ta ngồi
  Nhìn đất nhìn trời nhìn thằng…”
Nghe đến đây, bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến, tôi thấy lòng mình ấm lại, khí phách của người lính Trường Sơn năm xưa ùa vào trong tôi. Tôi bước nhanh vào nhà, vừa đi vừa dõng dạc đọc:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
  Thấy con đường chạy thằng vào tim
  Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
  Như sa, như ùa vào buồng lái”
Cái My bất ngờ ngước lên nhìn, nhận ra tôi, con bé chợt lao đến ôm chân tôi, nũng nịu:
-         Ông…  Ông lên mà không báo cho con …
Tôi cười ha ha xoa đầu con bé. Hai ông cháu hàn huyên vài câu sau đó tôi hỏi:
-         Có phải bài thơ cháu vừa đọc là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật không?
-         A! Sao ông biết ạ? - Cái My ngạc nhiên nhìn tôi.
-         Haha … - tôi cười lớn -  Ông không biết thì con ai biết nữa, hả? Ông chính là người lính trong bài thơ đấy chứ!
Một giây... Hai giây… Ba giây... Cái My im lặng … rồi đột nhiên “phốc” một tiếng đứng dậy, lao vào tôi hét lớn:
-         Thật hả ông? Đúng không ông? Ông nói thật chứ? Phải không ạ?...
Sau khi đặt ra N lần câu hỏi, nó dâng ánh mắt mong đợi nhìn tôi.
-         Ừ! Ông nói thật mà cháu. Nào nào … ngồi xuống ông kể cho cháu nghe…
-         Ngày xưa, vào thời kháng chiến chống Mĩ, đường Trường Sơn được gọi là con đường huyết mạch của đất nước, nối liền từ Bắc vào Nam, là con đường duy nhất để quân ta vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men… vào cho miền Nam. Cũng chính vì sự quan trọng đó mà quân địch ngày đêm rình mò, tìm trăm phường ngàn kế để gây khó khăn cho quân ta. Lúc ấy, ông cùng các đồng chí cũng nhận nhiệm vụ chuyển vủ khí ra cho miền Nam . Ban đầu đoàn xe còn mới, còn xịn, chạy rất êm. Nhưng dần dần, theo tiếng đạn pháo của quân địch, những chiếc xe này cũng vỡ kính, mui xe thì bị hất tung lên, thùng xe cũng chằng chịt những vết xước, chẳng còn chiếc nào nguyên vẹn nữa cháu à. Cũng chính vì vậy mà Phạm Tiến Duật đã đặt tên cho bài thơ là “Bài thơ về tiểu đội những chiếc xe không kính” đấy!

Nghe đến đây, cái My trợn to đôi mắt trong veo, chăm chăm hỏi:
-         Xe tàn như vậy thì làm sao mà chạy nữa hở ông?
Tôi cười, gật gù nói tiếp:
-         Ừm... nguy hiểm lắm. Nhất là khi xe không có kính thì bụi được ví như một con dao vậy! Đường Trường Sơn mùa khô bụi cuốn mù trời trong làn xe chạy. Bụi cuốn vào mặt làm mắt cay xè, không thể mở ra được, cả người thì lúc nào cũng lấm lem vết đất đỏ Trường Sơn. Lại thêm mưa , thêm gió làm công việc càng thêm gian khó, những làn nước nặng trịch cứ hất tạt vào mặt, xối gió xối mưa vào mắt, đau rát vô cùng. Gian khổ thế đấy, mỗi chuyến hàng đến được đích quả là một kì tích. Nhưng kì tích vẫn luôn xuất hiện bởi người lính đấy thôi.

Tôi kể. Lòng nâng nâng cảm xúc lẫn lộn. Tự hào. Tôi tự hào về thời nhiệt huyết của mình, về thời tuổi trẻ nơi chiến trường, tôi cảm thấy mình như đang sống lại trong thời kịch sử ấy… Những lời thơ của Phạm Tiến Duật cứ ùa về, ngân nga vang vọng trong tôi. Tôi tiếp tục kể cho cô cháu gái bé nhỏ:
-         Xe tuy không kính nhưng vẫn có cái hay của nó đó cháu, tụi ông có thể bắt tay nhau qua cửa kính vỡ, nói chuyện cười haha, người châm điếu thuốc mời nhau hút, nhiều khi vừa lái xe vừa hát, khí phách vô cùng. Bao nhiêu bụi đất bám trên người, ông và các đồng chí không coi là gì cả, khi nào hoàn thành xong nhiệm vụ tính vẫn chưa muộn. Giữa biển trời mênh mông, ông thấy lòng mình ấm lại khi được chiến đấu cùng đồng đội yêu thương.
Bất chợt lòng tôi rung lên, thì thào:
-         Cháu không thể hiểu tình cảm người lính thiêng liêng và quý giá như thế nào đối với những người lính như ông đâu. Dừng xe, ghé vào bếp Hoàng Cầm, chỉ cần them bát đũa là có thể thân nhau như một gia đình, dù chỉ chốc lát nữa thôi, mỗi người sẽ đi một con đường riêng, chẳng thể dễ dàng gặp nhau trên chiến trường ác liệt. Có người còn có thể trở về với gia đình, nhưng không ít chiễn sĩ phải ngã xuống chiến trường đẫm máu, các chiến sĩ lúc nào cũng lấy khẩu hiệu “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, dù có hy sinh vẫn quyết tâm bảo vệ xe và hàng.

Không khí bỗng nhiên trầm lại, cái My không nói gì. Mắt nó đã ươn ướt. Tôi ngước nhìn lên, chợt nhận ra trước mắt mình cũng sóng sánh nước. Sự hi sinh của những chiến sĩ cao quý, lặng thầm. Lau khoé mắt, tôi quay sang hỏi cháu gái.
-         My cháu, hai câu cuối của bài thơ có phải là:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phái trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Dù chiến tranh có qua lâu rồi, nhưng cho đến hôm nay ông vẫn luôn nhớ mình là một người lính. Ông tự hào vì đã đóng góp cho quê hương đất nước. góp một phần bé nhỏ công sức để giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Cháu có thể làm được tất cả, chỉ cần trong xe cháu có một trái tim, My à.

Nghe đến đây, cái My oà khóc thành tiếng. Nó nức nở trong lòng tôi. Ôm lấy cháu gái, lòng tôi dấy lên một cảm xúc kì lạ, những tình cảm thiêng liêng ấy tôi không bao giờ quên được. Về những gian khổ, hy sinh, về niềm lạc quan yêu đời, và nhất là những đồng chí sát cánh bên nhau vượt qua gian khó … Bất chợt, tôi ôm vai cô cháu gái bé nhỏ, nghiêm túc:
-         My, ông và đồng đội đã tận sức giành lại đất nước. Nay ông già rồi, không còn sức nữa, ông giao lại trọng trách cho cháu. Cháu phải học tập tốt để xây dựng đất nước, để giữ cho nước Việt Nam mãi mãi độc lập tự do.
Cái My ngước nhìn lên. Nó bật cười, đưa tay ra móc ngoéo với tôi. Cả hai ông chau ngoắc tay nhau, cùng mỉm cười. Lời hứa.

          Nguyễn Thị Thu Thủy - 9E                (Niên khóa: 2009-2013)
 
 

Tỏ lòng tri ân.

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng biết câu tục ngữ:
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
 Đạo lí bao đời của dân tộc ta là “ôn cố tri tân”, “tôn sư trọng đạo”, những đạo lí đó luôn nhắc nhở lớp lớp thế hệ người Việt phải ghi nhớ công ơn những người đã có công nuôi dạy ta.
Lớn tựa công sinh thành là ơn nghĩa dưỡng dục. Cũng vì lẽ đó mà 30 năm nay, cứ mỗi năm đến dịp 20/11 là cơ hội, là thời gian để mỗi người đã và đang là học trò dành tấm lòng tri ân tới những những người thầy - người cô, những người đã dìu dắt, nâng bước ta trên con đường học vấn, trên con đường “làm người” có ích cho xã hội.

Trong hộc tủ kí ức của mình, từ những :
“Ngày đầu tiên đi học
Mẹ dắt tay đến trường
 Em vừa đi vừa khóc
Mẹ dỗ dành yêu thương”
Từ những cảm xúc non nớt đầu đời của tuổi học trò, cho tới nay đã là 9 năm gắm bó với trường với lớp. Và cũng là 4 năm cấp hai dưới mái trường Nguyễn Trãi thân yêu này, nơi có những người thầy, người cô ươm mầm ước mơ cho chúng em; truyền đạt cho chúng em những kiến thức quý báu như những viên gạch nền đầu tiên để dựng xây nên “tòa tháp” tráng lệ “tương lai”.
“Ngày đầu như thế đó
Cô giáo như mẹ hiền
Em bây giờ vẫn ngỡ
Cô giáo là cô tiên”.
Trong những giờ ra chơi, dưới cái nắng sân trường, trong bóng râm phượng vĩ, từng lớp học trò lớn lên, hồn nhiên và tinh nghịch. Những trò đùa tinh quái của bạn trai, những cái liếc mắt đáo để của bạn gái. Những anh bạn nghịch ngợm kéo đuôi tóc của bạn để rồi lại ríu rít xin lỗi vì đùa dai, rồi cả những cái “đấm” thùm thụp lên lưng bắt đền vì “ai bảo làm người ta khóc”.
Thế đấy, tuổi thơ chúng em là những tháng ngày hồn nhiên, tinh nghịch. Còn thầy cô chỉ là một đời đưa đò thầm lặng. Thầy cô đã cho chúng em tri thức, cho chúng em tình yêu, dạy cho chúng em cách biết đứng vững trên đôi chân của mình khi vấp ngã. Thầy cô đã kể cho chúng em nghe nhiều điều hay, lẽ phải, dạy cho chúng em những bài học làm người. Nhưng có bao giờ thầy cô kể cho chúng em về những đêm ngồi lặng lẽ bên trang giáo án, những hôm lặn lội đến lớp dẫu gió sương, mưa nắng cũng không quản.
Con đò thời gian vẫn cứ trôi, mái tóc thầy đã pha sợi bạc, dáng cô đã hao gầy vì sương gió. Đã có không biết bao nhiêu khách sang sông? Bao nhiêu khát vọng, mơ ước đã thành hiện thực? Có mấy ai ngoái đầu nhìn lại? Thầy cô ơi! Từ sâu đáy lòng mình, em xin gửi đến các thầy, các cô giáo lời cảm ơn sâu sắc, lòng biết ơn chân thành nhất. Đặc biệt là gửi đến bố mẹ thân yêu của con - hai người thầy người cô không những trên bục giảng mà là cả trong cuộc đời con lời chúc sức khỏe.
    Chúc tất cả các bậc phụ huynh luôn hạnh phúc, chúc các quý thầy cô luôn tràn đầy nghị lực và tình yêu để đưa những thế hệ học trò đến bến bờ tri thức của nhân loại.
Phạm Thị Bảo Trâm
Lớp 9G (NH: 2012-2013)

ĐÔI LỜI GỬI TỚI NGƯỜI PHỤ NỮ TÔI ĐÃ YÊU, ĐANG YÊU VÀ SẼ MÃI YÊU.


Mấy bữa nay nhận được yêu cầu “đặt hàng” viết về đề tài “Người phụ nữ tôi yêu” nhân dịp ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, bỗng dưng tôi chợt nhận ra là mình chưa bao giờ hệ thống lại những người thuộc “nửa kia của thế giới” mà mình đã, đang và mơ ước được yêu. Lên mạng tìm đọc thì thấy có đoạn viết thế này: “"Đằng sau tất cả những công trình vĩ đại nhất của thế giới này đều có bóng dáng của người phụ nữ" - Lamartine đã nói vậy và trong cuộc đời này, danh sách những người phụ nữ mà một người đàn ông yêu thương có lẽ rất dài nhưng trong đó hẳn không thể thiếu mẹ, chị em gái, cô bạn thân, hay thậm chí cô giáo xinh xinh hồi tiểu học ... hoặc bất cứ ai từng ở bên họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.” Ngẫm thấy cũng đúng thật, nếu vậy thì tôi “Yêu” nhiều lắm nhé! Này, kể cho nghe.
Lâu lắm rồi, cũng không nhớ rõ mấy, chỉ biết là khi bắt đầu kể thì người ta bảo là “ngày xưa”, thôi thì cũng theo cái lệ ấy tuy mình cũng chưa già. Ngày xưa, chừng như năm 1993, hồi đó tôi bây giờ còn bé lắm, tôi nhớ mẹ mình cao lớn vô cùng. Cứ mỗi sáng trước khi đi làm mẹ lại hỏi: “Sau này lớn em làm gì”, và luôn là câu trả lời: “Con bổ củi cho mẹ”. Vậy đấy, đó là công việc nặng nhọc nhất mà một đứa bé biết để nghĩ rằng mình có thể giúp được.
Thấm thoắt rồi thời gian lại trôi, câu chuyện “con lớn con bổ củi cho mẹ” dần dần cũng chẳng mấy được nhắc tới, đối với con lúc ấy bổ củi không còn là công việc nặng nhọc nhất nữa, lúc này cái đè nặng nhất là vấn đề của bản thân con. Khi ấy là vào năm hai nghìn không trăm … hồi đó. Thế giới của con sụp đổ hoàn toàn, tâm hồn tàn tạ bị cào xước trên những mảng da non bởi móng vuốt cuộc đời, những vết sẹo đầu tiên khi va vấp với cuộc sống tuy không sâu nhưng sắc lẹm, để lại đó sự thất bại của lòng kiêu hãnh non tơ. Cũng mùa này, năm đó, gió chớm heo may tháng 10, con viết:

Cánh hoa rơi trước thềm
Mưa về nhiều... lạnh quá!
Thương người tình trời lạ
Biết có chút niềm vui?

Ai nhặt lá cuối thu
Thấy mùa đông vồ vập
Em cô nàng hấp tấp
Chẳng giữ nổi thương yêu...

Một chút gió cô liêu
Thổi cồn lên nỗi nhớ
Kéo dài thêm hơi thở
Mắt nóng buồn mênh mang.

Đưa em qua mùa sang
Chiều mây lay màu nhạt
Ru em vào câu hát
Văng vẳng tiếng thở than.

Một câu nói dịu dàng
Một bờ vai dìu dặt
Một bàn tay nắm chặt
Trong một giắc mơ hoang…

Năm thứ hai xa nhà, trong bầu trời tự do của tuổi trẻ, cũng nhớ về mẹ nhưng cũng không nhiều, con lúc đó mang nỗi niềm của cái “tôi” vĩ đại, đang chở che cho “bóng hồng” nhỏ dại chốn bình an.
Nàng đẹp, rất đẹp! Trong mắt ta người tình là nữ vương, kẻ cai trị suy nghĩ, tâm trí, tình cảm của ta và cả “hầu bao” ta nữa. Ta yêu đời, ta rong ruổi du ca, mỗi con gió thổi qua cũng tưởng chừng như bàn tay người tình luồn qua mớ tóc. Tiếng “ếch ộp” của lũ cóc nhái đêm mưa cũng hòa vào lời gửi thưa trên tin nhắn, những dòng tin ngắn nhưng rất nhiều nụ hôn, mỗi sáng sớm hay chiều hôm đều muốn ôm em thật chặt! Mỗi lần đưa em qua con phố không tên bằng xe đạp, hai đứa lại hát bài “Con đường tình ta đi”, em đưa anh cây kẹo mút hai đứa dùng chung, ngồi sau lưng em nhéo anh thật mạnh vì cái tội tham ăn mút lâu hơn 1 phút. Cứ thế đấy, và hết thời sinh viên, hai đứa cũng hết duyên nhưng tình bạn vẫn còn. Anh thấy em nhẹ nhàng mà sao anh chật vật quá, tình yêu ta rất lạ, đến đến rồi đi đi. Giở lại những bài thơ cũ, đọc thấy bài thơ em như lời chỉ dấu của hai đứa mình:
Mùa thu này buồn nhiều anh ạ Nắng bớt vàng mây cũng bớt xanh
Rả rích mưa bay âm ỉ nhiều ngày
Hoa sữa nhẹ mang mùi hương hôm ấy
Em nghe gió rít từng hồi tha thiết
Như nỗi thương anh thao thức suốt đêm hoài
Ánh mắt buồn thiếu nữ sợ chiều phai
Hay sợ nỗi người đi không trở lại?
Mối tình thứ hai đi qua không để lại trên da thịt ta bất cứ một vết sẹo nào nhưng nó đã khiến trái tim ta khuyết đi một mảnh, một mảnh tình của một khối tình bị băm nát. Lúc đó tôi mới hiểu được, thứ nặng nhất trên đời này là kí ức!

“Một hôm bước chân về gác nhỏ
Chợt thấy đóa hoa tường vi
Bàn tay gắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa…”

Vận vào lòng lời ca sao đúng lúc
Lúc ta say chân bước phố hoang liêu,
Để hồn mơ vơ vẩn bóng yêu kiều
Men đưa đến nhưng nồng bay hương khói.
Ô hay chưa, nghịch lời nghịch ý
Chân cứ đi mà lưng muốn ngả lơi;
Cho buông rơi câu hát cứ xa vời
Cho thân mát được hòa vào mình đất.
Muốn ngất đi, muốn lòa đi như chực khóc,
Muốn reo đưa chuông nguyện hồn ta,
Muốn xưa về như cũ cho ta…!
Khi mưa xuống mà lòng đương nhẹ hẫng,
Khi nghe tiếng hát mà lòng ta dịu mát
Nỗi bâng khuâng, u uẩn đỗi hồn nhiên !

“…Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe…”

Như một phép màu của những câu chuyện cổ tích, khi những người bất hạnh ngồi khóc và Bụt lại hiện ra ban cho điều ước với câu hỏi “Vì sao con khóc?”. Và “Bụt” của con đã xuất hiện, người ta bảo hiền như Bụt thì chỉ có mẹ mà thôi. Mẹ lại cho con lăn vào lòng, gối đầu lên chân, lại gãi lưng con như ngày còn bé, lại nói lại câu chuyện ngày xưa “con lớn con bổ củi cho mẹ”. Con hối hận, con giận mình bởi biết bao bài thơ con viết, biết bao lời nồng ấm con trao cho “người” thì mẹ con lại bỏ quên.

Lưng mẹ đau vì cõng con đi học,
Tay mẹ chai sần vì vất vả nuôi con,
Mắt mẹ quầng thâm mong ngóng con thành đạt,
Cuộc đời mẹ gìa vẫn mãi chỉ vì con,
Lũ chim non quay quắt gió phương ngàn
Đã quật gãy biết bao bờ bến lạ
Duy chỉ còn hốc cây già cũ kĩ
Vẫn nồng nàn hơi ấm của tình thân.

Hôm nay, nghe được đứa bé hàng xóm hát tặng mẹ bài hát “Bàn tay mẹ” được cô giáo dạy cho ở trường, bất giác kí ức tràn về, cố nhẩm cho thuộc để hát tặng mẹ yêu.
Đó chính là người phụ nữ tôi đã yêu, đang yêu và sẽ mãi yêu!


Tái bút: Bàn tay mẹ bế chúng con, bàn tay mẹ chăm chúng con. Cơm con ăm, tay mẹ nấu, nước con uống tay mẹ đun. Trời nóng bức gió từ tay mẹ, con ngủ ngon. Trời giá rét cũng vòng tay mẹ ủ ấm con. Bàn tay mẹ vì chúng con, từ tay mẹ con lớn khôn.

 
Nguyễn Văn Hải - Tổ Ngữ Văn

NỖI LÒNG CÔ CHỦ NHIỆM - (Tâm sự cùng lớp 9E - NH: 2012/2013)

(Thương gửi các em! Đọc những câu thơ cô viết vội trong đêm rằm Trung Thu, hi vọng các em sẽ hiểu những điều cô muốn nói...)



Đêm nay là Tết TRUNG THU,
Trời xanh bị áng mây mù che ngang!
Nỗi niềm tâm sự dâng tràn
Ý thơ – phác THẢO đôi hàng gửi đi...

SƠN HÀ nguy biến có khi,
Giận hờn có lúc, có thì thôi em!
ÁNH trăng dẫu SÁNG hơn đèn,
Bốn PHƯƠNG có lúc mây chèn khuất trăng!
Bạn bè hơn cả tình thân
Đừng vì lời nói mà DẦN xa nhau!
Thời gian tưởng chậm mà mau,
SEN tàn, LAN nở tím màu THỦY chung.
HƯƠNG HOA thơm NGÁT một vùng,
Hữu DUYÊN nên mới học chung lớp trường.
“Chín E” – hai tiếng MẾN thương,
NGỌC, QUYỀN, HẬU, ÚC, LOAN, HƯƠNG, TRINH, HÀ
Tan trường tiếng trống NGÂN xa,
Gấp TRANG vở lại - đi qua một thời.
Các em như NGỌC giữa đời,
Càng rèn giũa sẽ rạng ngời tương lai.
HUY hoàng sẽ đến ngày mai
HIỂN vinh tiếp đoạn đường dài em qua...

Bốn tên tìm mãi mới ra...
TRÂM, QUYÊN, HIẾU, HƯỞNG nữa là ... ba tư! (34 HS)



                                Nguyễn Thị Bích Trâm - Tổ Sử - Địa - GDCD

Nhớ mùa trăng treo!


    Nhìn trăng nay lại nhớ trăng xưa! Không biết có ai như mình không, chứ hồi nhỏ cứ mỗi đêm trăng ngày 15, 16 (ngày trăng tròn nhất) mình thường leo lên sân thượng nằm ngửa mặt lên trời nhìn ngắm những ông sao cùng mặt trăng tròn vành vạnh. Cố nhìn cho ra chú Cuội ngồi ở gốc cây đa là ở chỗ nào, không biết tại trăng nghiêng hay chú Cuội ngồi nghiêng mà sao khó phân biệt thế nhỉ?! ^ ^ Những câu hỏi tự suy diễn như thế cứ miên man, rồi lại quay sang ngắm những vì sao và đưa tay lên trời nắm từng viên từng viên một. Có lẽ khi nào đó có dịp bạn cũng thử xem sao, cứ thử nằm và ngước nhìn lên những vì sao, hãy nhìn sâu vào cái không gian huyền thẳm đó rồi bạn sẽ cảm thấy mình thật nhỏ bé và vũ trụ kia sao mà rộng lớn đến nhường vậy (dù rằng đó đã là điều hiển nhiên).
    Chao, nhớ lại khi bé và những kỉ niệm về những ngày rằm sao mà nhiều đến thế, đúng là ánh trăng luôn là ánh sáng dịu mát của những tâm hồn trong trắng và cả của những tâm hồn cần thêm sự vỗ về.
    Ngày bé, khi những ánh đèn đường chưa phổ biến như bây giờ, tụi trẻ con trong xóm cũng chỉ được bố mẹ "thả đi rông" vào những đêm rằm khi ánh sáng từ mặt trăng đổ xuống con đường làng "ướt át" như những cây que kem quế 200đ. Cả lũ chơi những trò mà chỉ có chơi buổi tối mới thích như: Bịt mắt trốn tìm, Rồng rắn lên mây, Đi chợ về chợ... nhiều lắm kể sao cho hết được. Hay lại chia nhau ra vừa đi vừa nhìn lên trăng để "chứng minh học thuyết: Trăng đi theo mọi người" mà chắc chắn không té hùi hụi mới lạ!
    Hôm nay ngồi nhớ hôm xưa, kể chuyện con trẻ của mười mấy năm ngày trước lại thấy thèm quá. Đời người không ai sống hai lần để người ta trân trọng và yêu quý tất cả những gì đã đến và đã đi. Xưa kia cũng tầm giờ này mình thật không tài nào ngồi yên mà hát bài "Chiếc đèn ông sao", vậy mà bây giờ cũng ngắm trăng đấy mà cũng là ông trăng xưa đó thôi nhưng sao chú Cuội bây giờ không còn nhiều câu hỏi nữa, chú Cuội không đi theo ta nữa! Bây giờ ta ngồi một mình và chú Cuội gìa kia cũng ngồi yên với ta, cùng ta nghe bài hát "Không còn mùa thu".
    Hôm nay trời không trong, những vì sao đã đi ngủ sớm rồi chỉ còn lại trăng thôi... và tôi.

Nỗi nhớ của ngày thu tháng 9

    Cái cảm giác gì ấy… rất lạ, mới mẻ lắm nhưng mà sao khiến con người ta cứ xao xuyến vấn vương, nhớ nhung, hồi hộp và cả nhoi nhói ở tim, xốn xang tâm trí … Hình như, nghe người ta bảo là … “yêu”! 

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu...”

    Đọc thơ sao mà thấy người ta nói tình yêu đẹp thế, lãng mạng và mơ hồ quá! Tôi nhớ cái cảm giác “yêu” đầu đời đến bên nhẹ như một cái khăn quàng lụa vắt ngang vai, nhưng sao nó lại thắt ngèn ngẹn cổ họng để rồi ứ á một cảm xúc nào đó trôi dần theo ánh mắt tê dại. Ngày ấy, “tôi” của bây giờ bé lắm, mẹ bảo “bé như nắm tay” cơ mà! Mẹ bảo thế chứ con của mẹ cũng 14 - 15 rối đấy, trổ mã hẳn ra, cái giọng mới vỡ ồm oàm như chú trống choai tập gáy, nhưng mà vẫn “khờ” lắm … “khờ” vì mẹ bảo thế, con của mẹ chả lớn bao giờ.
    Năm ấy, đầu năm lớp 9, cả lớp lại tập hợp, vẫn những gương mặt cũ của năm ngoái. Đối với cái lớp 9B này thì chúng tôi là “cựu chiến binh”, nhưng đầu năm luôn được mở màn bởi một “tân binh” (thầy/cô chủ nhiệm mới) với một bài “diễn ca phủ đầu” để “răn đe” cả lớp. Chuyện đó thì chúng tôi coi là thủ tục bắt buộc rồi nên thái độ là “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”! Nhưng … đấy, vấn đề là tại cái “nhưng” ấy đấy …
    “Ấy” ngồi ở bàn thứ hai, dãy trong cùng, ngay sát của sổ, còn tôi thì bàn thứ ba ở dãy giữa. Tôi nhớ ngoài cửa sổ có một cây bằng lăng, mùa thu luôn là mùa hoa nở, bầu trời lúc nào cũng lợn gợn những vân mây như từng đợt sóng cứ vờn nhau rong ruổi nối đuôi chỉ để nhìn ngắm nhau mà chả bao giờ thấy mệt. Ánh mắt tôi thường đưa ra hướng lên những bông hoa, ngước nhìn về những đám mây, nhưng vẫn có chút vụng trộm nào đó để rồi len lén … nhìn “ấy”. Tương phản với nền trời sáng/tối, với màu tím biếc xa/gần là ánh lông mi cong vút, là lơ thơ  những cọng tóc mềm mại phất phơ … chợt thấy lỗ tai ù ù như ngồi bên quạt máy và tôi như cảm nhận được từng nhịp đập của mạch máu/con tim.


    Những giờ ra chơi, bọn con gái luôn có đủ chuyện để nói, hoặc nói to hay nói nhỏ, lúc thì hí hí tụm năm tụm bảy, khi thì thùm thụp “đấm” lưng bọn con trai vừa chạy vừa la … Còn “ấy” thường ngồi một chỗ, miệng cười rất tươi với chúng bạn hỏi han nhưng ánh mắt thì hiện lên điều gì đó đầy hoài nhớ. Đôi lúc tình cờ mà hai đứa mắt chạm mắt, để rồi tôi phải cuống quýt giả vờ như lơ đễnh vô tình, còn mặt thì rân ran bừng bừng, những ngón tay bất giác quờ quạng gãi đầu gãi tóc. Dần già những ánh mắt “tình cờ” ấy thường “va chạm” nhiều hơn, song sự “cuống quýt” lại đỡ bối rối hơn trước.
    Cả năm học ấy, mỗi khi trống tan trường đã vãn hồi lâu tôi luôn chờ “ấy” lấy xe đạp về trước rồi mới lò dò theo sau. Đầu tiên cách nhau chừng 40m, đến giữa năm thì còn 20m, và đến cuối năm thì đã nghe rõ tiếng tiếng líp xe rào rạo quay đều phía sau. Nhưng, chỉ đến đó và cứ thế thôi, tôi như một con diều còn “ấy” là người giữ dây để cho diều cứ ngóng trông và lấp ló trên cao.
Ngày chia tay cuối năm, rưng rưng cảm xúc với thầy cô, trường lớp, với từng viên phấn góc bảng, từng hộc bàn một thời giấm giúi bịch ô mai hay chùm me non đầu mùa … sao nhớ thế, nhất là ô cửa sổ kia, cây bằng lăng kia và cả nền trời kia nữa … có còn không một lần được ngồi lại?
    Hôm ấy, tiếng bánh xe vẫn “rong ruổi” quay đều, vẫn tiếng lạo xạo trên những đoạn đường cát sỏi quen thuộc mà sao lòng rệu rã quá! Chợt … có tiếng phanh nhè nhẹ từ chiếc xe đạp phía trước, rồi nó từ từ tụt lại dần phái sau … từ từ … từ từ … hai đứa đi chung hàng. Và … cảm giác tê dại của một ngày thu tháng 9 ấy quay lại … nhẹ nhàng!


Nhớ tiếng hát quê choa.


Vang xa, vang xa, tiếng sáo diều
Ngân nga…
A, tiếng ai gọi đó, quê nhà…
Quê đâu? Đấy, thấy ngõ về…
Trên đê, tiếng ngân dài
Lê thê…
Hò ơi câu ví dặm:
“Răng mà thương mà nhớ”

Chợt có người cười chê
Tiếng hát “quê” “răng mà chua mà cũ”…
Ừ, tiếng hát “quê choa” răng mà xưa cũ
Của thời lam lũ, rũ sống áo ra đồng
Của lễ “lồng tồng” mỗi năm mỗi dịp
Tiếng hát nhịp của các chị, các anh
Với mái đầu xanh của trẻ con xóm dưới
Nheo cười mắt lưới của bác ngư dân.

Ngại ngần…
Nghe tiếng dân ca
Rất xa, rất xa
“Chương trình phát thanh xã…”
Ai cũng vội vã, ai cũng hối hả
Tất cả, tất tả, vất vả mưu sinh!
- Tắt đi, cứ nghe ra rả… quê mùa
- Thủa xưa, ông bà mình… yêu thế…

“Vang xa, vang xa, tiếng sáo diều
Ngân nga…
A, tiếng ai gọi đó, quê nhà…”
Quê đâu? Đây nhà lầu, mặt phố
Đám trẻ lố nhố: xanh đỏ tím vàng
Hát vang…
Nhạc Hàn, nhạc Nhật.
Thật! … Nhớ có kẻ cười chê!

Mùa hạ - mùa thương, tôi hát.


Những cánh phượng hồng, những chùm bọ cạp vàng, những cơn mưa chuyển mùa ào ạt… lại một mùa hè nữa.
Mùa hè năm nay khác biệt so với trước đây, cảm xúc bâng khuâng luyến tiếc không dồn dập như thời còn ngồi trên băng ghế học trò, đơn giản là tôi không còn được cái đặc quyền làm học trò nhỏ nữa. Bây giờ đi làm – đi dạy, nhìn lại các em học sinh mà lại ham thích cái thời mình cũng còn “lôm côm” như tụi nhỏ, hồn nhiên và nhẹ nhõm biết bao.
Nhưng mà cái cảm giác tiêng tiếc cái gì đó vẫn còn vương vấn đâu đây trong hộc tủ kí ức. Lục tìm lại thì thấy tập thơ ngày xưa, lần hồi để rồi lại nhớ một thời học trò áo trắng với những cảm xúc trong veo….


“Ve ve kêu, hè hè về”

Mùa hoa bọ cạp,
Rực rỡ tuổi hai mươi.
Chợt nhói sắc phượng buồn,
Quạnh quẽ!


“Vui chỉ đủ buồn và nhớ để vừa quên”

Bầy én vô tình,
Đưa thoi nhanh quá.
Rứa là mùa hạ…
Mùa thương!


“Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới”

Một khoảng trống vắng lặng,
Lòng tôi.
Ôi xao xuyến…
Khúc ca reo vụt tắt rồi!


“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt”

Những cơn gió đem mùa,
Giăng lối mây mưa.
Tôi cầu:
Mưa vẫn mưa bay!


“Gió theo lối gió, mây đường mây”

Ngày hạ tới, mùa thương… tôi hát:
“Và ngày sau biết có còn gặp lại

Ngày tan trường

Áo lụa tóc em bay!"

Chào Hạ.

Ngày hôm nay buổi chiều thật tuyệt, nắng thưa thớt lọt lưới màn mây, gió mát thổi từ phía Tây nam báo hiệu chuyển mùa, chợt phóng tầm mắt nhìn lên phía núi ở xa xa thấy một màu vàng úa tàn của những đám cây mây cùng bụi cỏ và trúc lồ ô vàng héo: “Chán thế, núi non gì mà khô bạc kì cục, mưa xuống thử xem coi nào!”
Nghĩ vậy lại chợt nhớ tới cái mùa mưa trước, rõ chán chết, chả đi được đâu, cứ như vầy thì lại hay. Nhưng mà chuyển mùa thì hè rồi đấy chứ nhỉ, bất giác một câu chực cửa miệng: “Khỉ, thời gian nhanh quá”.
Mới 4 giờ chiều, hôm nay trời lại mát, hay là đạp xe ra hướng biển hóng gió vậy!
- Đi đâu đấy?
- Em đi đây tí.
- Chơi à?
- Đi hóng gió thôi, chơi gì.
- Vậy mà không chơi, cho đi với?
- Gớm, hôm nay xung thế, để bữa khác đi, hôm nay em muốn đi một mình!



Gió cứ thế rít lên trên từng sớ tóc, ù ù bên tai, nắng phía tây vàng lên sắc mật như mẻ đường mía mới lên lửa, nắng ráng nên không gắt, gió lại mát hơi nước miền biển. Rất thích! Cái cảm giác cứ như được nếm vị đường mạch nha vậy, ngọt nhưng rất thanh, dẻo mượt trong miệng nhưng không dín.
Được một lúc, nghe chừng lâu không vận động  đôi chân hơi mỏi, lại gặp phải con dốc, hơi ngán. Lên dốc, thả dốc, thế thì cũng đáng leo dốc chứ! Chợt đâu đàn bướm cải vàng bay xiết ngang đường theo cơn gió mạnh, chúng áp vào má, vào người, cái cảm giác hơi rờn rợn vì lũ bướm với sâu là một. Nhưng mà sâu cải cũng chẳng có lông lá gì ghê gớm lắm. Thôi kệ!
Bãi biển giờ này còn đông, mà khu du lịch không đông thì buồn cho nhà buôn lắm. Phải tới chỗ nào ít người, phiêu diêu một tí, thế là lại rảo xe trên đường ven biển, định vượt qua bên kia con đèo nhưng ngại xa.
Lọt giữa hai khu Resort là một bãi biển vắng, nơi tập trung của một vài chiếc thuyền thúng, xa xa phía con sóng đang đuổi Giã Tràng có vài người ngồi gỡ cá lưới. Cuộc sống con người nơi đẹp đẽ này vẫn còn nhiều vất vả quá, xen giữa chốn phồn hoa phù phiếm của những nhà giàu vẫn là những con người đen đủi đang lầm lũi kiếm ăn, chắc là mớ cá lưới chiều kia cũng chỉ đủ đổ vào nồi tối nay thôi, còn ngày mai...
Tiến lại gần hơn, dựng xe trên cát đúng là khó khăn, nên thôi cho nó nằm xuống vậy. Một mình ngồi trên một hòn đá được vây quanh bởi những vỏ sò, ốc, trai và những cọng muống biển vươn ra lồng ngồng, thích thú nghĩ “hình như ta là chúa đảo thì phải”.
Để ý mới thấy, đám người đang lúi húi đằng kia là những cô cậu còn thiếu niên thôi, chúng nói cái gì ấy, xem chừng vui lắm cứ cười lúc thì rúc rích, khi thì hét ré lên. Trong số ấy có một cô gái chừng 17 hay 19 gì, nói chung là cái dáng nhỏ mình lại giòn màu nắng khiến người ta khó đoán trúng lắm. Chỉ có một điều chắc không sai, cô có một cặp mắt to tròn, làn da nâu bánh mật và nụ cười với chiếc răng khểnh duyên lạ lùng. Dưới ánh hoàng hôn đang dần ôm mặt bể, gió biển trêu đùa từng sợi tóc của cô reo bay hòa vào sắc nắng, hình như nó là sợi nắng cuối chiều của một hoành hôn dưới mặt trời ngay đây!
Lũ trẻ thu lưới, vừa chạy vừa trêu nhau:
- Chị Hạ ơi cứu em...
- Coi chừng rối lưới mấy đứa.
Đám người đi ngang qua, cô gái hình như đang liếc nhìn, tôi vờ như đang chói mắt vì ánh nắng ngang tầm mắt.
Lạ quá, cảm giác gì bồn chồn lồng ngực, lắp bắp đầu môi, nếu không hắt ra thì sẽ lỡ mất cái gì đó... Ơ kìa, nhanh lên chứ, nhưng là gì nhỉ...?
- Chào Hạ!
Ôi trời, gì thế không biết, sao lại không hắt ra một hơi thở dài hay một thứ gì khác, mà sao nghe giọng mình chối thế, mình hét thì phải.
Hình như cô hơi chững lại thì phải, mắt mình chói hơn vì nắng thì phải, mặt trời càng về chiều càng nóng hơn thì phải...!!!
Một mình thong dong trở về với ánh mắt nheo nheo, tủm tỉm trong miệng bài bát "...", tự bảo rằng "mai, hạ bước sang ngày thứ hai"...